Friday, August 1, 2008

Thanh toán điện tử trong cuộc chạy đua công nghệ

Hiện nay, đa số các ngân hàng Việt Nam đều ở giai đoạn đầu của việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là các dịch vụ đơn giản, được thực hiện thông qua trang web của các ngân hàng, như: truy vấn thông tin số dư, sao kê tài khoản tiền gửi, chuyển khoản…

Một số ngân hàng đang xem việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử là một biện pháp mạnh để cạnh tranh, thu hút khách hàng trong thời kỳ “công dân điện tử” với lượng người dùng Internet ngày càng tăng như hiện nay. Chính vì vậy, một số ngân hàng đã đầu tư khá nhiều kinh phí cho hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cho các dịch vụ ngân hàng điện tử, như: ngân hàng qua Internet (Internet Banking), ngân hàng qua điện thoại di động (Mobile Banking, SMS Banking) để tạo sự khác biệt và tăng lợi thế cạnh tranh.

Ngân hàng cũ: đua tranh đầu tư công nghệ

Vị trí đặt quảng cáoNăm 2003, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã cung cấp dịch vụ Internet Banking – kiểm tra giao dịch tài khoản và thông tin số dư. Lúc đó, Techcombank sử dụng phần mềm do các chuyên gia CNTT của mình tự thiết kế. Phần mềm này lấy dữ liệu trong hệ thống ngân hàng lõi (core banking) và đưa lên Internet để cung cấp cho khách hàng. Lúc đó, Techcombank cũng đã cung cấp dịch vụ trực tuyến nhưng không theo thời gian thực.

Đến nay, trong lúc không ít ngân hàng vẫn đang sử dụng giải pháp dịch vụ điện tử trên, thì từ năm 2006, Techcombank đã sử dụng công nghệ của hãng RSA để nâng cấp hệ thống Internet Banking nhằm cung cấp dịch vụ một cách đa dạng và có thể giao dịch trực tuyến theo thời gian thực. Khách hàng của Techcombank hiện có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến có giá trị lớn hơn trước nhiều (tới 500 triệu đồng), và không chỉ giao dịch với Techcombank mà còn có thể giao dịch với các ngân hàng khác.

Để thực hiện được các giao dịch Internet Banking có giá trị lớn, giải pháp bảo mật phải được đề cao. Techcombank đã sử dụng mật khẩu hai yếu tố. Một yếu tố mật khẩu thông thường và một yếu tố mật khẩu động sử dụng công nghệ thuật toán của RSA (Tocken Key). Mỗi mật khẩu có giá trị dùng một lần, mỗi một phút mật khẩu lại thay đổi một lần. Khách hàng phải dùng hai mật khẩu để kết nối liên tiếp mới có thể thanh toán qua Internet Banking của Techcombank.

Năm 2007, Techcombank đã cung cấp dịch vụ Internet Banking có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến theo thời gian thực. Ông Lê Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc phụ trách về CNTT của Techcombank, nhấn mạnh : “Đầu tư cho hoạt động của ngân hàng điện tử là đầu tư cho tương lai. Riêng năm 2007, Techcombank đã đầu tư khoảng một triệu đô-la Mỹ để hoàn thiện hệ thống Internet Banking. Hiện nay, mỗi tháng Techcombank có khoảng 50 tỷ đồng của các khách hàng cá nhân thanh toán qua kênh ngân hàng điện tử”.

Cũng muốn thuộc hàng đi tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ điện tử, ngay từ đầu năm nay, Ngân hàng Đông Á đã triển khai ứng dụng Mobile Banking trên điện thoại di động, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính (chuyển tiền, thanh toán cước một số dịch vụ...) mọi lúc mọi nơi.

Với Đông Á Mobile Banking, khách hàng có thể tra cứu số dư, liệt kê giao dịch, chuyển khoản, mua thẻ trả trước, thanh toán trực tuyến các đơn hàng mua qua mạng, nạp tiền điện tử… Để dịch vụ Mobile Banking thu hút được khách hàng, Ngân hàng Đông Á luôn đầu tư để phát triển những phiên bản mới cập nhật nhiều nội dung.

Giám đốc CNTT của Ngân hàng Đông Á, ông Thái Nguyễn Hoàng Nhã, cho biết trước đây ngân hàng đã cung cấp dịch vụ tin nhắn điện tử (SMS Banking) nhưng tính an toàn không cao và số tiền chuyển khoản tối đa chỉ hai triệu đồng mỗi ngày. Chính vì vậy, ban giám đốc ngân hàng đã chỉ đạo tập trung để trở thành ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ Mobile Banking. So với SMS Banking, Mobile Banking có tính an toàn cao hơn và có thể cung cấp những dịch vụ giao dịch tài chính có giá trị lớn (với số tiền tối đa là 500 triệu đồng mỗi ngày).

Theo đánh giá của Đông Á, hiện nay Mobile Banking chưa được khách hàng sử dụng nhiều nhưng thời gian tới, chắc chắn dịch vụ này sẽ phát triển, do tỷ lệ người dùng điện thoại di động tại Việt Nam nhiều hơn người dùng Internet. Hơn nữa, dịch vụ ngân hàng qua Internet Banking sẽ không tiện dụng bằng Mobile Banking bởi điện thoại di động thường được người sử dụng mang theo mọi lúc mọi nơi nên cơ hội phổ cập dịch vụ sẽ tốt hơn.

Ông Nhã cho hay, thời gian tới, Ngân hàng Đông Á sẽ đầu tư trọng điểm và linh hoạt hơn trong việc phát triển Internet Banking nhằm tăng tiện ích cho người sử dụng. Ngân hàng sẽ dùng thẻ ma trận làm mật khẩu giao dịch thay vì dùng chìa khóa mật khẩu động Tocken Key... để giảm chi phí đầu tư. Thẻ ma trận này có thể tặng hoặc bán cho khách hàng với giá 5.000-10.000 đồng. Còn giải pháp mật khẩu động Tocken Key của RSA (giá khoảng 300.000 đồng mỗi chiếc) thì dùng cho các doanh nghiệp sẽ phù hợp hơn.

Chậm hơn hai ngân hàng nói trên, năm 2005 Ngân hàng Quốc Tế (VIB Bank) mới cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử phục vụ cho việc theo dõi số dư tiền gửi, tiết kiệm, liệt kê giao dịch, lịch sử về các hoạt động liên quan đến trạng thái tài khoản… Đầu năm 2006, VIB Bank đã gia tăng tiện ích của dịch vụ ngân hàng điện tử bằng việc cung cấp thêm các tính năng như : truy vấn dư nợ thẻ tín dụng, thông báo trạng thái giao dịch tín dụng thư cho các khách hàng doanh nghiệp…

Tháng 10-2007, VIB Bank đã hoàn thành việc triển khai hệ thống ngân hàng điện tử giao dịch trực tuyến với tên gọi VIB4U. Ông Bùi Quốc Khánh, Giám đốc Khối công nghệ thông tin của VIB Bank, cho biết VIB4U có những tính năng vượt trội so với các ngân hàng khác với hai gói sản phẩm chính cung cấp cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

VIB4U cho phép truy vấn các giao dịch khách hàng với ngân hàng, thanh toán, chuyển khoản trong hệ thống VIB Bank tới các ngân hàng trong nước và nước ngoài. Các tính năng nổi trội là đặt lịch trả nợ cho các khoản vay đến hạn, đăng ký khoản vay trực tuyến, yêu cầu giải ngân trực tuyến, mở tín dụng thư trực tuyến, thanh toán trả lương trực tuyến... Tháng Tư vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cho hệ thống VIB4U này.

Ngân hàng mới: muốn đi tiên phong

Mặc dù chưa có “thâm niên”, vừa khai trương hoạt động vào đầu tháng Sáu này nhưng Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank) cũng đã xác định sẽ nỗ lực trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Ông Trần Lương, Giám đốc Trung tâm CNTT và Ngân hàng điện tử của TienPhongBank, cho biết : “TienPhongBank muốn đi tiên phong không chỉ trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử mà còn trong việc đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, TienPhongBank mong muốn sẽ đi đầu trong các lĩnh vực góp phần thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng”.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ TienPhongBank dám đưa ra mục tiêu đi tiên phong trong việc ứng dụng CNTT hiện đại là vì hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam hiện cũng mới chỉ qua được “chặng đường ban đầu” trong việc ứng dụng CNTT. Hơn nữa, TienPhongBank được kế thừa lợi thế công nghệ thông tin và công nghệ di động từ các cổ đông sáng lập lớn của mình là FPT và MobiFone. Đồng thời, là một ngân hàng mới nên TienPhongBank không bị ràng buộc bởi những hệ thống CNTT đã có mà có thể nhanh chóng triển khai những công nghệ mới nhất phục vụ hữu hiệu các hoạt động ngân hàng. Ông Lương tự tin nói : “Chỉ sau thời gian 2-3 năm hoạt động, TienPhongBank hoàn toàn có thể trở thành tiên phong trong một số lĩnh vực ứng dụng CNTT trong ngân hàng".

Thực tế cho thấy, từ năm 2000 trở đi, ứng dụng CNTT ngày càng trở nên quan trọng đối với hoạt động ngân hàng. Bởi các ngân hàng ngày càng có mạng lưới rộng hơn, phục vụ số lượng khách hàng lớn hơn, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ hơn nên không thể quản lý có hiệu quả nếu không có ứng dụng CNTT.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người sử dụng máy tính có truy cập Internet ở Việt Nam phát triển rất nhanh và các tiện ích của CNTT ứng dụng trong ngân hàng cũng ngày một gia tăng. Việc không sử dụng tiền mặt trong thanh toán mà thay vào đó sử dụng các giao dịch điện tử sẽ trở thành một xu thế cạnh tranh mà các ngân hàng sẽ nhắm tới trong tương lại gần.

Do đó, cuộc cạnh tranh hiện nay giữa các ngân hàng chủ yếu là chạy đua về công nghệ. CNTT giờ đây không chỉ đơn thuần là một công cụ hỗ trợ mà còn tham gia trực tiếp vào hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Nếu thiếu CNTT, ngân hàng không thể thực hiện giao dịch. Còn thiếu ứng dụng các công nghệ hiện đại để xây dựng kênh thanh toán điện tử, các ngân hàng sẽ bị giảm đi tính cạnh tranh.

Đây chính là nguyên nhân của cuộc chạy đua không ngừng nghỉ trong việc ứng dụng CNTT của các ngân hàng trong thời gian gần đây. Và điều này khiến người ta thấy trong các lĩnh vực khác, việc ứng dụng công nghệ của Việt Nam có thể thua thế giới, còn trong lĩnh vực ngân hàng, khoảng cách về công nghệ không là mấy.

(Theo OnBoom)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Câu Chuyện Doanh Nhân

Thông Tin Chứng Khoán