Monday, December 15, 2008

Thanh toán qua mạng: "Con gà" bao giờ đẻ "trứng vàng"?

Thanh toán trên mạng là lĩnh vực mang lại nhiều tiện lợi cho người dùng. Nhưng hiện nay, dịch vụ này vẫn chưa phát triển. Ông Trần Thanh Nam, thành viên sáng lập và là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hỗ trợ Dịch vụ thanh toán Việt Phú (MobiVi), cho rằng để phát triển lĩnh vực này, còn phải cần một thời gian dài. Ông nói:

Để tiến đến thanh toán trên mạng hoặc thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng phổ biến, cần phải giải quyết nhiều việc, như cơ chế pháp lý, công nghệ, đầu tư, thị trường mà phần chính là thói quen của người dùng… Hiện nay, ở từng lĩnh vực vẫn còn những điểm hạn chế khiến việc phát triển thanh toán trên mạng vẫn chưa phát triển mạnh.

- Ông có thể lý giải vì sao nhu cầu thanh toán trên mạng hiện nay đã có nhưng dịch vụ lại chưa phát triển?

- Cơ chế pháp lý nay đã mở, Nhà nước khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng thực chất Luật Giao dịch điện tử mới được ban hành năm 2005, chứng tỏ lĩnh vực thanh toán trên mạng ở ta vẫn còn rất mới mẻ.

Thứ hai, công nghệ đòi hỏi phải tốt, an toàn, tiện dụng. Thời gian gần đây ở ta vẫn chưa làm được.

Thứ ba, thói quen người tiêu dùng là yếu tố rất quan trọng. Thói quen không chỉ là vấn đề thương mại. Vậy nên, DN dù có sản phẩm tốt, nhưng việc xóa bỏ thói quen truyền thống là điều phải chú trọng.

Và cuối cùng là đầu tư. Đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn. Trong khi xã hội chưa có thói quen sử dụng dịch vụ, như bài toán con gà và quả trứng, khiến ngân hàng và DN bán hàng không khỏi đắn đo.

Vì thế, để tiến đến một xã hội sử dụng rộng rãi thanh toán không dùng tiền mặt, còn phải thêm một thời gian dài, phải có người tiên phong và khởi đầu chỉ ở một số lĩnh vực, chứ không thể ngay lập tức áp dụng thanh toán được ở tất cả mọi lĩnh vực.

- Thẻ ATM là một công cụ khá tốt, nhưng vì sao vẫn chưa thể phát triển được giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như mục tiêu đặt ra, thưa ông?

- Có thể thấy, việc thanh toán không tiền mặt bằng thẻ ATM là dùng thẻ để truy cập vào máy ATM thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, hoặc mua hàng ở các siêu thị bằng máy POS.

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, người ta vẫn chỉ mới dùng thẻ ATM nhiều ở chức năng rút tiền mặt. Và như vậy vẫn còn là thanh toán tiền mặt. Để phát huy chiếc thẻ này vào việc thanh toán không dùng tiền mặt, phải tạo thêm cho thẻ nhiều ứng dụng.

Sở dĩ ta chưa phát huy được chiếc thẻ ATM trong thanh toán, cũng vì đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn. Ví dụ một chiếc thẻ phải tốn 5-10 ngàn, nhưng hàng chục triệu thẻ là khoản tiền không nhỏ. Kế đến những chiếc máy ATM, máy POS cũng phải đầu tư nhiều tiền, vài trăm đến vài ngàn đôla một máy.

Trên thế giới, việc thanh toán bằng thẻ đã phổ biến và dùng rất linh hoạt, như các thẻ Visa, Master... Tuy nhiên để đạt được điều này, các nước cũng phải trải qua một quá trình dài đầu tư tiền bạc và công nghệ.

- Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là thẻ ATM vẫn còn có những công cụ, giải pháp khác như điện thoại di động, Internet, tiện lợi, kinh tế hơn. Tuy nhiên, hiện phương tiện này cũng chưa phát huy được mạnh?

- Điện thoại và Internet có thể nói là hai công cụ đắc lực cho thanh toán điện tử, với tính an toàn tiện lợi cao, dự kiến trong tương lai phát triển mạnh mẽ hơn cả thẻ ATM.

Về kỹ thuật, điện thoại và Internet cho khả năng xử lý nhanh hơn. Xử lý dữ liệu tốt sẽ giúp an toàn, bảo mật tốt hơn. Tiện dụng ở chỗ nữa là giao diện dễ nhìn, giúp người dùng dễ chọn, dễ thao tác điều khiển.

Hai công cụ này cũng đầu tư ít hơn, nhờ các nhà đầu tư trước đây đã đầu tư hạ tầng phục vụ cho mục đích khác. Việc tận dụng cơ sở hạ tầng này vào thanh toán, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí.

Hiện nay nếu so sánh, cả nước có 20 triệu thẻ, nhưng có tới gần 60 triệu thuê bao điện thoại, và 20 triệu người dùng Internet. Điều đó cho thấy khả năng người dùng điện thoại và Internet để thanh toán sẽ cao hơn dùng thẻ.

Hiện nay trong nước có chừng 12 nhà cung cấp giải pháp trong đó có Mobivi, Paynet... Có thể nói, việc cung cấp giải pháp công nghệ giờ không còn là chuyện khó đối với các nhà cung ứng.

Vấn đề là phát triển dịch vụ còn phụ thuộc vào đầu tư. Ví dụ ngân hàng và DN bán hàng sẽ phải đắn đo khi bỏ ra một khoản tiền quá lớn để mua phần mềm trong khi người dùng vẫn chưa nhiều. Bài toán con gà và quả trứng khiến ngân hàng, DN bán hàng phải do dự, đó cũng là một yếu tố khiến dịch vụ không thể phát triển mạnh ngay.

- Người dùng hiện nay vẫn quen thanh toán tiền mặt, với các lý do: thuận tiện, không mất phí, và đơn giản. Người ta cho rằng tốn phí thanh toán là vô lý, đồng thời cũng e ngại sự phức tạp khi sử dụng dịch vụ, lo lắng bị lộ thông tin, mất tiền. Chính các lo lắng này cũng làm cản trở rất lớn đến sự phát triển việc thanh toán trên mạng. Ông thấy có cách nào để hỗ trợ người dùng để loại hình thanh toán này được phát triển?

- Các suy nghĩ đó đều có lý và chính đáng. Nhưng nếu đã thanh toán trên mạng, người dùng sẽ thấy còn tiện lợi hơn. Chẳng hạn, thanh toán tiền mặt không thể tiện hơn phi tiền mặt bởi phải đến tận nơi để trả tiền, tốn kém chi phí như xăng xe, gửi xe, mất thời gian, vận chuyển tiền nếu tiền nhiều và không phải không có rủi ro… Trong khi đó, với chiếc ví điện tử, có thể giải quyết được vấn đề này mọi lúc mọi nơi, không phải mất thời gian, chi phí đi lại tốn kém, nhiêu khê.

Về vấn đề bảo mật, với tiến bộ của công nghệ, tất cả mọi thông tin đều được mã hóa, và mã hóa nhiều lần ở từng công đoạn nên đảm bảo an toàn. Giải pháp bảo mật là yếu tố nhà cung cấp phải đặt lên hàng đầu trong sản phẩm của mình. Chẳng hạn, MobiVi có 10 bằng phát minh sáng chế được cấp ở nước ngoài và hiện có 20 hồ sơ đang trình xét cấp tiếp, phần lớn thuộc lĩnh vực bảo mật.

Vì vậy, để được khách hàng sử dụng thanh toán trên mạng, các nhà cung cấp giải pháp phải tạo ra sản phẩm thuận tiện và đơn giản, mặc dù hai điều này thực hiện cùng lúc là rất khó khăn.

Riêng về chi phí thanh toán, quy định của pháp luật là người bán hàng không được thu thêm bất cứ khoản nào từ người mua. Đó là bảo vệ cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, DN bán hàng phải trả tiền cho nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, để khuyến khích thanh toán trên mạng, nhà cung cấp giải pháp cũng phải tính toán ở một mức giá vừa phải, để khách hàng chấp nhận được. Khi phí thấp, tiện lợi và an toàn, chắc chắn sẽ có người sử dụng.

- Xin cám ơn ông!

(Theo VietnamNet)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Câu Chuyện Doanh Nhân

Thông Tin Chứng Khoán